VuLinh.net's Forum

Diễn đàn của VuLinh.net
It is currently Sun Jun 02, 2024 8:19 pm

All times are UTC - 8 hours




Post new topic Reply to topic  [ 44 posts ]  Go to page 1, 2, 3  Next
Author Message
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 2:09 am 
Member

Joined: Sat Feb 05, 2011 9:56 pm
Posts: 364
Trong một buổi nói chuyện cùng người dân địa phương để vận động cử tri hưởng ứng việc tranh cử ngôi Tổng Thống, viên tỷ phú lừng danh Donald Trump đã bị một sinh viên 20 tuổi gốc Nam Hàn bắt nạt ông về việc ông đã tuyên bố sai lệch một thông tin quân sự, có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Nam Triều Tiên. Thế nhưng, thay vì để cho anh sinh viên ấy nói hết câu thì Trump đã tỏ thái độ thường lệ của mình là lớn giọng đàn anh hiểu biết, lại thích nói sốc giữa công chúng, khi ông ta gạn hỏi ngược lại anh sinh viên kia rằng, "Anh có phải là người Nam Hàn không?" Ngụ ý rằng, có phải vì anh là người dân Nam Triều Tiên nên mới múa rìu qua mắt thợ, cao giọng vì quốc thể? Trước thái độ hách dịch, đầy thách thức của nhà tỷ phú, anh sinh viên đã điềm tĩnh cho ông ta biết rõ nơi chôn nhao cắt rốn của mình là trên đất Mỹ, đi kèm với một câu nói: "Cho dù tôi sinh ra nơi đâu đi nữa, tôi cần ông nói cho đúng sự thật!" Qua đó, anh sinh viên đã làm cho nhà tỷ phú phải tâm phục khẩu phục, và những người chứng kiến đã hết lời ngợi khen thái độ nhanh trí, đầy phong độ, và rất chững chạc của một thiếu niên mới tròn 20 tuổi. Thật ngẫu nhiên làm sao! Bởi khi nắm ngôi hoàng đế, Tần Tuyên Chiêu Đế Phù Kiên thật trong lịch sử Trung Hoa cũng chỉ mới tròn 20 tuổi! Cũng con người ấy, trong lối tạo hình của tác giả Văn Tiên, khác với vài nhận xét anh là kẻ tà chính không thông, tâm lý phức tạp, v.v.. thực chất là bậc chính nhân quân tử, đầy quả cảm, lại khéo léo khôn ngoan qua từng ứng xử, đối phó trong ngoài. Nếu Phù Kiên của Văn Tiên cũng ở độ tuổi 20 khi thành danh nghiệp Đế, và nếu chỉ cho Phù Kiên một lời nhận xét thì phải nói con người ấy rất đáng ngôi Thiên Tử...

Bách thiện hiếu vi tiên...Trăm sự thiện, đạo Hiếu đi đầu

"Tuy là một nhà quân sự tài ba lỗi lạc, nhưng bệ hạ vốn là người tình cảm...Làm gì quyết không phụ người!"

Có lẽ xuyên suốt kịch bản dài trên 10 tiếng, thì duy chỉ câu nói trên đây của Trương Lệ Hân mới có thể miêu tả con người của Phù Kiên cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất. Như thế, nếu đã là người tình cảm, làm gì cũng biết nghĩ cho người khác thì có lẽ không chi để ta phải ngạc nhiên nếu xét ở đạo nhà, Phù Kiên quả không hổ danh hiếu tử với cha mẹ, lại rất trọng nghĩa gia đình. Sự hiếu thảo ấy không chỉ dừng lại ở việc khiến Phù Kiên đã cam lỗi sát Vương để bảo toàn mạng sống cho cha ở lúc đầu, mà nó còn được liên tục thể hiện qua từng hành động, suy nghĩ của anh mãi đến cả sau khi Kiên đã đăng quang Đế nghiệp- là lúc anh có thừa khả năng và binh lực, nhưng vẫn nén lòng đợi đến khi anh biết chắc cha mình không còn sống nữa thì mới dám nghĩ đến việc thâu tóm Ngũ Hồ. Có thể nói, dù làm gì, ở đâu, sự hiếu thảo nơi con người Phù Kiên luôn đc thể hiện rõ nét qua mỗi hành động, lời nói- dù lớn hay nhỏ. Chúng ta thử xem lại thái độ của anh khi đến chiêu hàng Vương Mãnh.

Khi cho Vương Mãnh biết Phù Hùng đã nắm ngôi thì điều thứ nhất, thái độ cung kính đối với cha mình được Phù Kiên biễu hiện qua hai từ TRỌNG PHỤ. Tiếp theo đó, khi cho biết anh hiện là Đông Cung Thái Tử, thì Phù Kiên chỉ nói lời miễn lễ cho bạn sau khi Vương Mãnh đã tôn vinh đương kiêm Hoàng Đế. Người ta có thể luận rằng, tất nhiên vì Vương Mãnh là người Phù Kiên đang đi tìm để chung lo đại sự thì lý nào người Kiên trông cậy lại là kẻ chưa chi đã bất kính đối với đương kiêm Hoàng Đế?! Song, đó chỉ là từ khía cạnh đạo Quân-Thần. Nhưng ở khía cạnh đạo Hiếu thì vẫn có thể luận rằng Phù Kiên RẤT xem trọng cha mình, nếu không nói là tiếng tôn vinh người khác dành cho anh là hoàn toàn vô nghĩa, mà quan trọng hơn phải luôn là danh vị của Phù Hùng, cha anh.

Qua nhiều biến cố sinh tử cuộc đời Phù Kiên, có lẽ đỉnh cao chói rạng gương Trung-Hiếu, mà cũng là bức chân dung con người thật của Phù Kiên là cảnh anh trở về Tương Đương rồi đối diện với án trảm. Trước tiên, khi biết mình sẽ phải thọ án, Phù Kiên đã thể hiện tinh thần "quân xử thần tử...phụ xử tử vong", thản nhiên đón nhận cái chết dù biết mình đã không hề làm sai điều gì cả. Trước khi thọ án, Kiên vẫn thức trắng lo phác thảo hai bộ binh thư để giao lại cho hai viên tướng anh tin tưởng nhất: Chu TựLữ Quang, và lại còn viết tâm thư gửi gấm vận mạng non nước cho ba quân tướng sĩ. Sự khéo léo của tác giả trong lối xây dựng tâm lý nhân vật Phù Kiên nằm ở phong thái của anh khi đối diện với cái chết gần kề. Chúng ta có thể nghiệm ra Phù Kiên chẳng những là người con rất có hiếu với cha, mà còn là một vị tướng sống thác cũng chỉ có hai tiếng NƯỚC NON là trọng. Hoạ xâm lăng vẫn còn đó, loạn hoàng triều với những kẻ sâu dân mọt nước do tên bạo chúa Phù Sinh gieo mầm vẫn còn đây. Kiên hiểu, và RẤT hiểu nữa là khác! Dù vậy, không vì thế mà Kiên quên đạo vi thần, buôn trôi chữ Hiếu. Việc anh sẵn lòng thọ án tử cách oan ức đã chứng minh Kiên hoàn toàn không tham luyến tước vị hay ngôi cửu đỉnh như bao nhiêu người trong hoàng gia (ngoại trừ Phù Hùng) đã hiểu sai về anh! Không nói đến việc anh mang lưỡng huyết vì thực chất, anh là con ruột của vị Hoàng Đế tại vị thì tất được nối nghiệp vua cha; tất nhiên là Kiên sẽ có đủ lý lẽ để gán tội khi quân cho những kẻ chống đối phi lý!

Trở lại sự kiện ở Tương Đương thì quả thật Phù Kiên vẫn có thể xoay chuyển thế cờ khi hàng vạn binh tướng đều thuộc dưới quyền của anh, và họ vẫn luôn một lòng "....chờ danh tướng ra tài an ban..." nhưng thà là anh "...trở về cát bụi, trả lại đời đạo bề tôi..." vẫn hơn phải cảnh "trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!" Lòng hiếu thảo của Phù Kiên, hoà với niềm yêu tổ quốc thiết tha, trọn tâm huyết cho hoài bão có ngày "...non nước này hoà câu thái lai..." toả rạng đó là sau khi đọc mật thư của vua cha, hiểu rõ mình sẽ làm gì, Kiên vẫn tuyên bố trước chư tướng rằng: "Ta đã khán chỉ thánh quân mà phản Tần..." Ở đây, tầm cao giá trị chữ Hiếu tác giả đã đặt để cho Phù Kiên chính là việc anh không muốn vô tình hạ thấp vinh dự của cha mình trước Tần quân, mà cũng không cần phải dài dòng nêu một nguyên nhân khác- ngoài sự việc hiển nhiên trước mắt là sao anh có thể rạch đất xưng Vương kể từ bấy giờ: Kiên đã khán chỉ vua cha! Đơn giản chỉ có thế. Phù Kiên không hề có sự bắt buộc phải giải thích với ai những việc mình làm, cứ xem như mọi lỗi lầm đều do anh, và nếu có oan tình thì chỉ riêng một Phù Kiên hiểu thấu. Mặt khác, phải chăng Kiên đã dụng chính lý lẽ hiển nhiên một phần nào để thử lòng những kẻ mà trước đó vài giờ, đã thề sống thác vì Điện Hạ, sẳn lòng "....lấy cái chết để tiễn bước Đông Cung...", v.v...? Khôn ngoan tinh tế là thế. Hiếu thảo đối với đấng sinh thành là thế. Quả thật tương xứng khi lòng kẻ hiếu tử đã được đáp trả bằng việc Phù Hùng, dù với bản tính "nghiêm quân lệnh mà xem nhẹ tình nhà" sẵn có, thì cũng đã hết dạ che chở, bênh vực cho con trong sự tế nhị, kín đáo cá nhân. Và cuối cùng thì ông cũng đã không ngại hy sinh cả ngôi chí tôn của mình để nâng bước con lên ngôi Đại Đế.

Ngoài những điểm nêu trên, tác giả đã rất tinh tế khi đặt để cuộc đối thoại ngắn giữa Chu TựPhù Kiên trước khi tương kiếm lệnh. Qua cuộc đối thoại ấy- tuy chỉ là một câu hỏi ngắn thì cũng làm toả sáng lòng trung quân ái quốc nơi Thái Tử họ Phù. Có hai khía cạnh đáng luận trong tình huống này...

Thứ nhất, dù biết mình không có lỗi, nhưng chiếu quốc pháp, Kiên không hề khán chỉ, không chống trả, mà cam lòng chịu cảnh "....gối hạ quỳ, cho thọ án biêu đầu..." mặc dù ngay vào thời điểm bấy giờ, Phù Kiên có đủ lý do, và thừa sức lật đổ hoàng triều, sát phụ tru quân! Sở dĩ phải nói Kiênđủ lý do là nếu dựa trên cơ sở không có lá thư nằm bên trong thanh kiếm lệnh gãy đôi thì xét lý tình, Phù Hùng không hẳn là hôn quân vô đạo như Phù Sinh, nhưng ông quả chưa đáng bậc minh quân khi đã vì nhu nhược mà không dám chống lại hoàng gia, để cam lòng phê án trảm một tướng tài, lại đó chính con ruột của mình!

Thứ hai, từ góc nhìn của Chu Tự thì có lẽ anh đã được Phù Hùng trao gửi ân cần và dặn dò rất kỹ lưởng trước khi cầm kiếm lệnh tìm đến Phù Kiên. Nói cách khác, khi mang lệnh trảm đến cho Phù Kiên thì có khả năng Chu Tự đã biết rõ trong thanh kiếm có bức mật thư. Tuy không được minh hoạ rõ rệt nhưng chúng ta có thể hiểu trong câu nói của Phù Hùng: "Vậy thì khanh hãy chứng minh lòng mình....giải Phù Kiên về triều, dù sống hay chết!" , và tiếp theo là sự ngập ngừng của Chu Tự trước khi nói lời tuân thủ cũng có nghĩa là giữa họ đã có sự ngầm hiểu ý nhau; hoặc có thể Chu Tự chưa hiểu ý vua ngay lúc đó, nhưng Phù Hùng thì chắc chắn biết mình sẽ làm gì ngay đêm ấy và việc ông triệu Chu Tự vào để giao việc đi tìm cho ra Phù Kiên không phải chỉ là ngẫu nhiên, hay chỉ vì Chu Tự giữ chức Ngự Tiền Thống Soái. Như vậy, việc Chu Tự hỏi Phù Kiên giữa ba quân tướng sĩ về việc tại sao Kiên không chống lại phụ hoàng khi các lộ quan ải đều đang ở trong tay của anh, ắt hẳn không chỉ là câu hỏi để hoãn giờ xử án. Phải chăng đó là tiền đề tác giả đã gieo vào cho thấy sự anh minh của Phù Hùng khi quyết định bãi án và để cho con mình tách hẳn khỏi đất Tần, là hoàn toàn hợp lý như chính ông đã từng nói với Kiên: "Cha không hiểu con, thì hiểu ai đây...". Hơn nữa, việc Phù Kiên trả lời câu hỏi gần như vô nghĩa, gây mất thời gian của Chu Tự phải chăng là dịp để cho Phù Kiên phơi bày tâm tư của mình trước chư tướng; là cách gián tiếp Chu Tự chứng minh cho mọi người thấy Phù Kiên rất đáng bậc quân chủ, và nếu Kiên có rạch đất xưng Vương thì họ cũng không phải phò lầm người.

Về sự hiếu thảo của Phù Kiên đối với mẹ thì hình như không được rõ nét cho lắm. Tuy vậy, nếu ta nhớ lại đoạn công chúa Diêu Tường dặn dò con trai mình trước khi bà nhắm mắt rằng: "Thân ở Tần bang, cũng đừng quên đất mẹ nơi Khương quốc..." và tiếp sau đó là: "...nếu con có về Khương quốc, nên quốc phục mà bái lại thái miếu cho mẫu thân được rỡ ràng danh phận." Sau lần tái hợp đó, Kiên đã không còn dịp thấy mẹ một lần nào khác, nhưng xem ra, việc anh trở lại Khương quốc lần thứ hai, sau chút chạm trán với cữu hoàng, Kiên đã vận Khương phục mà bái lễ đất trời, hoà mình trong đêm hội trăng rằm ngày ấy. Hành động đó tất đã nói lên thái độ dĩ hoà của Phù Kiên đối với cậu; mà hơn tất cả, nó cũng ít nhiều nêu cao lòng hiếu thảo đối với mẹ. Xem ra thì Phù Kiên, thân là thái tử Tần bang nhưng khi đã chịu khoác lên người bộ Khương phục tức là Phù Kiên đã hoà đồng, đã tự nhận mình không khác gì con dân Khương quốc- một cách anh gián tiếp thưa với hương hồn của mẹ rằng, "Thân con vẫn ở Tần bang nhưng con không quên đất mẹ là đây!"

Quân tử đạo hữu tam

Vốn được chọn làm vật tổ của người Giao Chỉ xưa, Giao Long- dù chỉ là con vật truyền thuyết, theo ý nghĩa tâm linh được xem là con vật có tính thiện ưa giúp kẻ hiền lương, nhưng lắm khi cũng nổi giận, sẵn lòng gieo mầm tai hoạ xuống cho con người. Phải chăng, qua lăng kính Trung Dung thì Phù Kiên cũng đầy đủ tư cách "quân tử đạo hữu tam" , nhưng vẫn đầy đủ những Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục mà yếu điểm của anh vẫn là hai chữ TìnhHiếu? Thiết nghĩ không cần phải dài dòng bàn luận hai yếu điểm này ở con người Phù Kiên, bởi nếu đã xem kịch bản nhiều lần thì chúng ta cũng đã chứng kiến anh bi lụy thế nào vì một Trương Lệ Hân, và nổi bật nhất vẫn là khi tinh thần anh đã xuống đến mức không còn gì để mất khi chứng kiến cha tự sát ở thành Lạc Dương. Thiết nghĩ, Văn Tiên đã rất thực tiễn khi tạo hình nhân vật Phù Kiên như thế bởi hai nguyên lý: thứ nhất, tác giả không thần thánh hoá nhân vật, làm mất đi nguồn cảm xúc của khán giả khi chứng kiến nhân vật đi từ sự khổ ải vạn trùng ba này đến nỗi đau thương mất mát khác. Giá như tác giả cứ đặt để cho Kiên lúc nào cũng tỏ ra vô cảm, lại mưu lược như thần thì cảm xúc người xem còn đâu nữa? Vả chăng, ở đoạn cuối ta sẽ nghĩ việc Phù Kiên có được cơ đồ là chuyện tất nhiên! Anh ta mình đồng da sắt kia mà....

Thứ hai, những diễn biến nội tâm (từ cảm giác vui mừng sang đau buồn, tức giận sang lắng dịu, khuất phục, v.v..) đã dìu theo những bước thăng trầm trong cuộc đời Phù Kiên như cặp đôi rất hoàn hảo, là sự tương phản- chính thước đo giá trị vinh quang có được ở đoạn cuối. Nói cụ thể hơn là giá như ta đã không chứng kiến một Phù Kiên trong đau đớn tột cùng, chìm sâu dưới đáy tuyệt vọng, chỉ muốn chết cho xong khi phải tận mắt nhìn cha đã phải tự sát vì sự nghiệp của mình, thì sẽ khó lòng ta cảm nhận được sự khó khăn của anh đến dường nào (không nói đến sự hổ trợ tinh thần cho anh từ nhiều phía) khi Phù Kiên đã cố sức gượng đứng dậy, lấy hết nghị lực mà tiến quân chinh phạt Ngũ Hồ. Và nếu đã không cảm nhận được sự dằn xé ở nội tâm ở đoạn trước, liệu ta có cảm nhận được ý nghĩa nỗi vui mừng của Phù Kiên ở đoạn cuối khi anh được vinh hạnh đăng cơ trước sự chứng kiến của cha minh- cái ngày mà chắc hẳn có nằm mơ Kiên không bao giờ dám nghĩ vì như ta cũng đã nghe tâm tư nát lòng của kẻ sắp đăng cơ rằng: "...ngôi hoàng vương, chợt nghe lòng đau! Nhìn giang san ôi mờ vắng thâm tình..." Sở dĩ chúng ta cần loại bỏ khía cạnh rằng Kiên đã được lời khuyên lơn, cùng với sự hổ trợ từ nhiều người (nhất là từ Vương Mãnh) là vì cho dù có bao nhiêu lời khuyên đi chăng nữa, tự nghị lực cá nhân mới vẫn là trọng điểm.

Đâu đó giữa những biến đổi thời cuộc, đã có lời rằng, "Anh hùng thì hãy tạo nên thời thế chứ đừng để thời thế phải tạo anh hùng!" Với Phù Kiên thì hình như cả 2 vế của câu nói này đều không áp dụng được cho anh. Nói như thế không có nghĩa là Phù Kiên không đáng mặt anh hùng, mà vì anh không hề có mộng xưng bá chủ, lại càng không hề có ý muốn được tôn vinh là hào kiệt. Thực chất trên phương diện quân tử đạo, KiênNhân, ấy là lòng thương người mà anh đã thể hiện vô số lần. KiênTrí, ấy sự hiểu biết đúng, sai, không hề bị nhầm lẫn trong tư duy. Và sau hết là chính vì anh luôn biết mình đang làm gì nên anh cũng có Dũng là sự gan dạ, dám vượt mọi khó khăn, gian nguy, không sợ gian lao cho dù phải đối đầu với thập tử nhất sinh, vẫn kiên trì đi cho hết con đường mình lựa chọn. Do đó, Phù Kiên là mẫu người rất dễ bị hiểu lầm. Phải chăng trong sự thinh lặng, quyết đoán, Phù Kiên vẫn có chút kiêu hãnh khó tránh khỏi của một kẻ tự hào mình trí tài song toàn, khiến tạo nên vẻ của một kẻ "độc đoán trong ngoài, xem thường chữ quốc uy...." và hoàn toàn "...bất chấp vương quyền....."! Có thể nói phong thái tự tin nơi con người Phù Kiên luôn đạt đến tột đỉnh, khiến hành động của anh chứa đầy mạo hiểm, gần như bất cần, bất tuân, nếu không muốn nói là xem thường quốc pháp, gia quy khiến cả người bạn thân thiết mà anh tin tưởng nhất cũng phải lo sợ một ngày nào đó Thái Tử sẽ "...phạm tội tày đình mà ta không thể nào đỡ mạng..." Tuy vậy, nếu nói Phù Kiên là một con người phức tạp, khó hiểu thì có lẽ sự khó hiểu ấy đã xuất phát từ phong thái kín đáo của bậc đại trượng phu chí cả, bởi không phải cứ lúc nào trong mưu sự cứ phô trương lắm lời. Chẳng trách sao Kiên bị xem là một con người với "...cử chỉ nhún nhường như tuân thủ quốc quy, nhưng trong tâm khinh miệt mọi người...", "....kẻ khẩu Phật tâm xà...lòng lang dạ sói...tâm dạ đê hèn..."

Mặt khác, khẳng định Phù Kiên không có mộng Đế Vương không phải là sự lệch lạc, bởi điều này tác giả đã minh hoạ ít nhất 2 lần trong kịch bản qua những câu nói của Phù Kiên. Đó là lần thứ nhất khi Diêu Tường Cơ trổ tài khuyến dụ anh về dưới trướng Khương đế để có thêm vi cánh, ta thấy thái độ của Kiên vô tư và bất cần ngôi Vương. Lần thứ hai, khi cữu hoàng Diêu Trường bị sanh cầm ngoài chiến tuyến, Phù Kiên đã cản mũi giáo giữa Vương MãnhDiêu Trường, và một lần nữa, Kiên xác định việc anh không màng ngôi quân chủ khi nói rõ mục đích ra quân của mình. Ở đây, xin được nói thêm là Diêu Trường rõ thực sự chẳng phải kẻ quân tử khi ông đã dùng tình cảm con gái của mình dành cho Phù Kiên, áp dụng kế điệu hổ ly sơn để đưa Kiên sa lưới. Song, tâm lý tàn ẩn vẫn là hành động phi quân tử của Diêu Trường vô tình làm cho quân tử đạo, hiếu đạo, và dũng khí nơi con người Phù Kiên càng chói rạng hơn! Theo lẽ tất nhiên thì một khi Kiên đã chấp nhận theo quận chúa Diêu Tường Cơ về giải cứu cho cữu hoàng Khương đế là anh chắc chắn đã biết mình hoàn toàn có thể rơi vào cảnh tứ phương thọ địch, nhưng anh đã không vì thế mà mắt lấp tai ngơ khi nghe tin cậu bị nạn. Khi khói lửa binh đao sắp tàn, nếu Phù Kiên là kẻ tiểu nhân như Diêu Trường thì liệu với sự hổ trợ bí mật từ Vương Mãnh, và với tư cách là kẻ chiến thắng đang đứng trước giặc thù thì có nên chăng, chiếc đầu của đương kiêm Khương đế Diêu Trường đã rơi lăn lóc dưới chân Kiên? Lối ứng xử của Phù Kiên đối với cữu hoàng đã chứng tỏ hai điều- thứ nhất, anh không nhìn về cậu như cậu đã nhìn về anh: một mối đe doạ. Đơn giản là vì trong mắt Kiên thì đó mãi mãi là người cậu mà anh kính nể vì hình ảnh của mẹ, lời trăn trối của bà luôn còn phản phất mỗi khi thấy cậu..."Thân ở Tần bang, cũng đừng quên đất mẹ nơi Khương quốc..." Quê mẹ không chỉ là những cảnh vật quen thuộc khi tận mắt nhìn lại, hay chân đang đạp trên nền đất. Quê mẹ, trong tâm trí kẻ biết trân trọng, vẫn hiện hữu nơi chính con người có liên quan đến nơi đó- đừng nói chi đến chính đây anh của mẹ. Thứ nữa, tha mạng cho kẻ nghịch thù với lời lẽ ôn hoà là thể hiện tư cách hiếu hoà không hiếu sát. Chu tất xa giá đưa Khương vương về cố quốc là thể hiện tình gia đình trước sau như một- dù mẹ anh còn hay đã mất. Thiết nghĩ, chính phong cách cao đẹp đó đã làm cho vị cữu hoàng kia phải tâm phục khẩu phục đứa cháu đầy nhân cách chẳng sai!

Đã từng có ai đó thắc mắc vì sao ở cuối kịch bản, Phù Kiên lại giao ngọc tỷ cho thừa tướng và như thế thì còn gì là quyền chí tôn vô thượng. Thật chẳng phải ngẫu nhiên mà Văn Tiên lại đặt để như thế! Bởi nếu chúng ta nhớ lại, đó không phải là lần đầu tiên Phù Kiên giao ngọc tỷ cho người khác mà không cần đắn đo, bởi chẳng phải Kiên đã vì người dân đất Châu mà trao đổi quốc tỷ cùng cữu hoàng Khương đế ấy là gì? Vả chăng, cả hai lần anh trao ngọc tỷ ấy chỉ minh chứng anh KHÔNG hề có mộng Vương quyền. Tất nhiên, việc anh trao ngọc tỷ cho Vương Mãnh không phải để trao đổi đất dân, mà là trả công cho bậc trung thần xứng đáng; tuy vậy, gẫm việc anh mất hay còn quyền hạn chí tôn đâu còn là điều quan trọng đối với Kiên bấy giờ (nói đúng hơn là chưa bao giờ nó quan trọng đối với anh)... Tâm nguyện đã thành, non sông gấm vóc đã về một mối, dân chúng sẽ âu ca lạc nghiệp, Tần Chiêu Đế Phù Kiên có gì phải sợ mất ngoài đức bỉnh trị thiên hạ? Hay nói đúng hơn, thu phục nhân tâm để trường tồn cẩm tú vẫn được Phù Kiên đặt hàng đầu thì âu đó cũng là tư cách bậc chính nhân quân tử, "...làm gì quyết không phụ người..." là thế.

Hoa Sơn ẩn một nhân tài...

Khi nghĩ đến Vương Mãnh, tôi liên tưởng đến hình ảnh vị "chúa tể sơn lâm" với bản chất khôn ngoan, mưu trí, mà lại thích sống ẩn dật, không màng tranh chấp. Trong thế giới hoang dã, mãnh hổ vẫn phải ngày ngày đi săn vì sự sinh tồn, nhưng trái với những gì chúng ta nghĩ, hổ không có tính tàn độc, thích rình rập giết hại phi mục đích. Tuy thế, vì nó là mãnh thú nên hổ thường bị hiểu lầm là con ác thú; trong khi thực chất, hổ yêu chuộng sự thanh vắng, thích bình yên vì cá tính rất nhút nhát! Hình ảnh yêu thích sự đơn phương nơi mãnh hổ có lẽ gợi nhớ đến Vương Mãnh trong những năm tháng anh ẩn trú nơi dảy Tần Lĩnh heo hút.

Trong tất cả các vị dũng tướng phò trợ nghiệp Tần thì có lẽ Vương Mãnh dễ gây sự chú ý cách lệch lạc nhất. Thậm chí anh rất dễ bị xem thường vì hình như đã ít nhất hai lần trong đại sự thì anh đều cần phải có Hà Như Nguyệt phu nhân hổ trợ thì mới nên(?) Ngẫu nhiên làm sao, cũng giống như Phù Kiên, thừa tướng họ Vương lại là mẫu người rất dễ bị hiểu lầm! Tuy vậy, điều đáng nói hơn cả là Vương Mãnh vốn người có thực tài, rất thông minh, nhưng không chuyên quyền cậy thế, bởi dưới cả hai triều đại anh khuông phò, Vương Mãnh đều giữ vị trí cao nhất, chỉ dưới một quyền Thiên Tử mà thôi, song chưa có một lần nào Mãnh đi quá xa quyền hạn cho phép. Suy cho cùng, Vương Mãnh vẫn có thể mang tính kiêu ngạo và ỷ mình, bởi thật khó phủ nhận anh là người rất được lòng hoàng gia vì chẳng phải Phù Hùng, ngay khi mới tái hợp cùng "điệt nhi", đã không ngần ngại giao ngay Long Phụng Kiếm cho thừa tướng toàn quyền nội ngoại đó là gì? Thứ nữa, anh là bạn thân của Đông Cung họ Phù- người mà ai ai cũng nể sợ uy danh; mà quan trọng hơn nữa là chính Thái Tử đã tìm vào nơi sơn cùng, thủy tận để chiêu hàng vị cao nhân ấy. Xét cho cùng, Vương Mãnh vừa được lòng Hoàng Đế, lại là bạn thân của Thái Tử, vừa nắm trong tay quyền hạn vô song, có khả năng tiền trảm hậu tấu, thì sao anh lại chẳng có đủ lý do để chuyên quyền tự phụ? Sự khôn ngoan của Vương gia là ở điểm đó- chức trọng, quyền cao nhưng rất khiêm nhường, lại không hề nhu nhược trong phép công. Quả không chi cường điệu nếu nói Vương Mãnh là kẻ rất cương trực, thẳng ngay, đáng mặt môn sinh thuyết Trung Dung- làm đúng thì chẳng chi phải sợ.

Luận về nguyên nhân Vương Mãnh rất dễ bị khinh thường và hình như Mãnh đã từng bị xem là kẻ "được gọi là Gia Cát Lượng tái thế sao dễ bị lầm lẫn đến tai hại","làm gì cũng phải có vợ mới nên...", v.v... thì thiết nghĩ, việc không chi là ngạc nhiên! Bởi trong lối tạo hình phá cách, tác giả có thể làm cho một vài người trong chúng ta khó chịu khi con người Vương Mãnh đã được tôn vinh quá đáng. (Xem ra, nếu anh chỉ dựa vào vợ mới nên chuyện thì sao gọi anh là "Gia Cát Lượng tái thế" mà yên?) Có thể ta dễ có thành kiến về con người này, nhưng chính cá tính được gieo ở con người của Vương Mãnh mới đả phá khái niệm hủ lậu rằng phụ nữ không nên bàn quốc sự. Nói cách khác, có lẽ Văn Tiên đã gián tiếp mời gọi chúng ta tách khỏi "lối mòn" kịch bản phong kiến mà hãy nhìn từ khía cạnh "rộng lượng" hơn là bất luận nam hay nữ, chúng ta vẫn có thể hổ trợ cho nhau bằng những ý kiến (hoặc hành động) bổ ích- huốn hồ chi chính một nửa của ta! Khác với thói trọng nam khinh nữ, xem ra, nàng Như Nguyệt của Văn Tiên đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp của chồng, mà cụ thể hơn là hai tình huống sau...

Lần thứ nhất, khi Phù Kiên tức giận bỏ về từ dinh thừa tướng sau khi đã cảnh báo người nên giao Lữ QuangTôn Nữ nếu ý không muốn khích tướng Đông Cung phủ, ta thấy Như Nguyệt xuất hiện từ hậu dinh và Vương Mãnh đã hiểu ngay ý vợ sắp nói gì. Điểm này rất khác với những kịch bản xưa nay vốn ta đã quen nhìn thấy người vợ chỉ cần lên tiếng một vài lời là sẽ được nhận sự quát nạt từ ông chồng "trí cao chức trọng" rằng, việc nước can chi đến nàng, thân tề gia nội trợ.... Hoặc "khôi hài" hơn là sẽ nghe chồng "dạy" vợ là "thân đàn bà chớ xen vô quốc sự, ở nhà có đám giỗ đám quãi thì lo chuyện bếp núc đi...". Ở đây, chẳng những ta thấy được cung cách tôn trọng vợ nơi Vương Mãnh, mà anh đã không ngại luận bàn với Như Nguyệt những điều trăn trở như một lời mời gọi nàng hãy cùng với anh chung lo đại cuộc.

Lần thứ hai là khi Phù Kiên chuẩn bị đối diện với Khương đế Diêu Trường ngoài mặt trận thì trước đó Như Nguyệt đã chiếm vai trò quan trọng là viết mật thư kêu gọi chồng nghĩ lại để rồi về lại phò Tần Chiêu Đế. Như vậy trước hết, Như Nguyệt nghiễm nhiên trở thành nhân vật rất quan trọng cho công cuộc thống nhất Ngũ Hồ của Phù Kiên, vì đã giúp cho Tần Chiêu Đế không bị mất đi một nhân tài xứng đáng. Kế đến, sự góp mặt thầm lặng của Như Nguyệt sau lưng chồng không hề làm lu mờ đi tầm giá trị của Vương Mãnh- nếu không muốn nói là làm toả rạng hơn! Suy cho cùng, nếu nói vì Như Nguyệt dù sao cũng xuất thân là quận chúa khiến Mãnh ít nhiều phải nể phục thì thật là oan uỗng (hay oan ức) cho anh, và cũng hoàn toàn phi lý! Bởi thực tế chứng minh là nếu anh nể phục thì chắc chắn đã không thẳng tay truy xét vụ án giấu người nơi hậu dinh mà chắc rằng với sự thông minh của mình, anh thừa hiểu chính Như Nguyệt là tòng phạm với Đông Cung để bao che tội phạm. Nếu đến cả Đông CungVương Mãnh cũng đành phải để mất lòng mà chấp pháp cho nghiêm minh thì hà tất gì đến Như Nguyệt quận chúa, kiêm phu nhân của mình? Rồi đến việc Mãnh về lại bên Tần Chiêu Đế, nếu cho rằng vì anh đã cả nể phu nhân của mình thì hoá ra trước và sau Phù Kiên đã chọn lầm kẻ nhu nhược, thiếu bản lĩnh đến thế chăng? Và như vậy thì chẳng những Vương thừa tướng bị xem thường mà ngay cả Đông Cung họ Phù quả không đáng được ca ngợi vì chính Phù Kiên đã mang Vương Mãnh về cho Tần quốc. Nếu nói Vương Mãnh chỉ có dựa cậy vào vợ mới nên đại sự thì ta nói sao về việc Phù Kiên suýt liều tất cả khi nghĩ cha đã mất, và phải nhờ đến những lời khuyên của các Tứ Đại Mỹ Nhân thì Kiên mới kịp nghĩ lại? Ở đây, mạng phép luận qua cảnh Phù Kiên tìm chiêu hàng Vương Mãnh để cụ thể hoá tầm quan trọng của con người này- theo lối xây dựng tâm lý của tác giả.

Không hiểu vô tình hay ngẫu nhiên mà tác giả chọn mấy vần từ thất ngôn bát cú Tảo Thu Sơn Trung Tác của một thi sĩ cùng một họ Vương (Vương Duy) để tạo cảnh gặp gỡ giữa đôi tâm giao tri kỷ Kiên-Mãnh. (Nếu là hữu tình thì không ngạc nhiên lắm vì đó mới là "phong cách Văn Tiên"...) Chúng ta thử tham khảo 2 câu sau:

Tịch mịch sài môn nhân bất đáo,
Không lâm độc dữ bạch vân kỳ....


Yên tịnh cửa mành không khách viếng,
Một mình kết bạn với mây trôi...


Tôi mạng phép tránh 2 câu nguyên bản của tác giả đã dịch để vì mục đích bài bình, nên có thể đã gây khó hiểu cho các bạn. Thế thì trước khi luận hai câu cuối trong bài thơ này, xin nói sơ qua về thi sĩ Vương Duy.

Cùng với Lý BạchĐỗ Phủ, thi nhân họ Vương nổi danh vào thời kỳ Thịnh Đường. Là một tín đồ trung thành của Phật Giáo Nam Tông, và cũng đã từng thọ tước quan dưới triều Đường Huyền Tông, ông được ca ngợi với biệt danh là Thi Phật. Vốn kẻ rất giỏi thư pháp, rất thạo văn, Vương Duy lại rất yêu thiên nhiên nên các tác phẩm của ông thường tả cảnh hữu tình non nước cách sâu sắc....

Trở lại với hai câu cuối trong Tảo Thu Sơn Trung Tác trên đây thì nó miêu tả sự hoang vắng cô tịch của một nơi thâm sơn cùng cốc. Đọc qua, ta có cảm giác nơi ấy hoang vắng đến mức quanh năm suốt tháng kẻ sống nơi đó chỉ có thể làm bạn với những vầng mây trắng bay ngang. Thật cô tịch làm sao! Hai câu thơ này rất xứng với hình ảnh một Vương Mãnh chán ngán câu khanh tướng công hầu, chỉ vì người thân của anh đã lao nhọc cả đời vì hai chữ Quân-Quốc rồi cuối cùng phải chịu thác oan đáng thương! Thật khéo léo khi tác giả chọn một phần bài thơ trên để tả cảnh tái ngộ giữa Phù Kiên-Vương Mãnh bởi nếu ta nhớ rõ thì Phù Kiên dù gì cũng là thân cành vàng lá ngọc, là đương kiêm Thái Tử. Hà tất chi mà phải lặng lội từ kinh thành, trèo dảy Tần Lĩnh Sơn, dọc đến Hoa Sơn để tìm bạn, nếu người bạn ấy không xứng đáng chi? Phù Kiên là kẻ đa mưu túc trí, văn võ song toan, lại hữu chân mạng Thiên Tử thì tất có biết bao sĩ phu sẵn lòng theo phò trợ kia mà? Đâu cớ chi phải nhọc nhằn mang phẩm phục hoàng triều đến tìm kẻ mai danh ẩn tích kia để rồi nghe anh ta phủ phàng: "Mau dời chân Đông Cung hãy đi, nguyền đôi đàng ta dứt tình! Dòng Tây thủy ly tâm!".... Không rõ có phải dòng Tây thủy mà tác giả nói đến, chính đó con sông Lưu Diệp? Nếu đúng thật là con sông ấy thì theo phong thủy, hướng Tây có xu hướng bảo thủ, chậm chạp, giữ vững cái đã có; và đối với sự việc mới thì khó tiếp thu, khó đổi mới nên có thể vì thế mà quyết định "ly tâm" chăng? Đó là theo suy diễn cá nhân, và nếu chính xác là tác giả đã dùng hình ảnh dòng nước phía Tây trong câu nói dứt tình kia thì gẫm rất thích nghi với thái độ của Vương Mãnh lúc bấy giờ vậy.

Thực chất nếu đã không vì đại cuộc vượt hơn hẳn sự tự cao của một vương gia thì Phù Kiên vẫn có thể thu hồi phần thưởng cho Mãnh, mang tất cả về và không cần nói thêm gì với anh ta nữa. Dù việc đó có thể xảy ra, thiết nghĩ quan trọng hơn vẫn là sự có mặt của một vị Thái Tử vương giả nơi thâm sơn hẻo lánh, tất cả là để cố tìm cho được một người. Điều ấy tất phải nói lên vị trí Vương Mãnh ở đâu trong lòng Phù Kiên, và dĩ nhiên là Mãnh phải có thực tài mới khiến đến nổi dù anh đã rời xa kinh thành từ lâu mà vẫn được trọng dụng- đến cả Tây Lương quận chúa cũng biết danh tánh! Mặt khác, thái độ ôn hoà, nhẫn nhục của Phù Kiên trước lời xua đuổi, bất cần của Vương Mãnh chứng minh hai điều: 1) Vương Mãnh phải rất xứng đáng cho một anh hùng dân tộc trèo non, vượt suối để tìm đến và chịu đựng thái độ bất cần, thậm chí xua đuổi! và... 2) lòng ái quốc của Phù Kiên vượt hẳn vinh dự một Thái Tử gấp bội phần. Qua đó, gẫm Phù Kiên đã sống đúng như lời nói là nguyền trải tim óc cho người dân nước Tần, sống thác cũng hết lòng vì quê cha đất tổ...

Nhìn chung thì Vương Mãnh, dù là một con người rất dễ bị ngộ nhận và thậm chí xem thường- như đã diễn giải trên, vẫn là một trí giả hào kiệt. Sự sắc bén trí tuệ của Vương Mãnh nổi bật nhất là khi anh xử Trương quận chúa trong vụ án Bố Rạ, đủ cho ta thấy cách suy nghĩ của Vương Mãnh tinh tế như thế nào khi anh đã "gom hai thành một". Thiết nghĩ, chúng ta không cần nói thêm hơn vì đề tài nêu trên đã được bàn luận khá kỹ ở mọi khía cạnh trước đây. Hiệp cùng với Phù Kiên, đôi bạn ấy chính là đôi giao long-mãnh hổ uy vũ mang lại nền thịnh trị trường tồn cho dân quốc...

Vương Mãnh hay Phù Kiên- qua lối xây dựng các nhân vật của Văn Tiên dường như mô tả cách nhận xét lệch lạc về một con người khi ta thường dựa trên cơ sở một hành động hay một sự kiện nào đó trong cuộc đời nhân vật để đánh giá, phê phán. Lối đánh giá một chiều như thế liệu có gây thiệt thòi cho các nhân vật của chúng ta, hay thậm chí làm méo mó tâm lý câu chuyện hay chăng? Từ góc nhìn như thế thì rõ ra...trong tà vẫn có chính và ngược lại...

Kỳ sau: Thập Lục Cầm, Thanh Long Kích, và nhị hà huyết sử....


Last edited by Nguyen Tuan on Thu Dec 10, 2015 10:46 am, edited 1 time in total.

Top
 Profile  
 
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 2:18 am 
Member

Joined: Sun Jun 06, 2004 3:21 am
Posts: 1511
Location: Viet Nam
Anh Nguyen Tuan lâu lâu tái xuất giang vẫn lối viết văn phân tích cặn kẽ dễ hiểu à :ym69: :flower:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 10:47 am 
Member

Joined: Sat Feb 05, 2011 9:56 pm
Posts: 364
Cảm ơn bạn thuy82! Cũng khá lâu không gặp bạn! :ym1:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 11:54 am 
Member

Joined: Mon Sep 22, 2008 8:24 pm
Posts: 2711
Mừng em trở về... :kiss: :kiss: :kiss:
Đọc mà thấy thích và cảm kích trong lòng... :flower: :flower: :flower: ...và ...:thanks: :thanks: :thanks: nhen.
Mong em trở về nhà nầy thường hơn.


Top
 Profile  
 
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 8:06 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
"Anh có phải là người Nam Hàn không?" Thì Ti có chuyện này cũng vui vui. Số là có lần đến Hawaii chơi. Trong một buổi tối ăn tiệc thì ông MC đi chào từng nhóm để biết khách của đêm nay từ bao nhiêu quốc gia đến. Người thì từ Nga, Pháp, Đài Loan, hoặc các tiểu bang khác của Hoa Kỳ. Đến chào Ti nói "Chào cô. Một buổi tối xinh đẹp. Cô đã từng đến thăm Hawaii chưa?", "Chưa. Đây là lần đầu tiên.", "Tiếng Anh cô tốt quá. Xin lỗi, cô đến từ đâu?", "LA", "LA? Xin lỗi có thể tôi nghe lầm. LA là đất nước nào?", "Đó là một thành phố. The 'Los Angeles' of the United States of America." Ui chời ông MC phá cười ha hả vừa gật đầu vừa nói "Đúng! LA... hahaha" Ông nói "Thường thì tôi chọc người đỏ mặt. Kỳ này cô làm tôi đỏ mặt rồi."


Top
 Profile  
 
PostPosted: Thu Dec 10, 2015 9:31 pm 
Site Admin

Joined: Sun May 30, 2004 10:39 pm
Posts: 8160
Có lẽ khi hỏi 1 cô gái xinh đẹp có khuôn mặt Á Đông đó trong đầu ông MC nghĩ cô ta sẽ trả lời " tôi đến từ China / VietNam / Singapore / Thailand /... " :ym3: , cho nên khi Ti nói " LA " , ổng hơi quớ làng :ym39: ... " LA là nước nào ? " :babyfred: .
Hay ông MC đó là dân Hawaiian ,chưa hề đặt chân tới " Mainland " :ym69:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 2:26 am 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Nguyen Tuan wrote:
Luận về nguyên nhân Vương Mãnh rất dễ bị khinh thường và hình như Mãnh đã từng bị xem là kẻ "được gọi là Gia Cát Lượng tái thế sao dễ bị lầm lẫn đến tai hại","làm gì cũng phải có vợ mới nên...", v.v... thì thiết nghĩ, việc không chi là ngạc nhiên! Bởi trong lối tạo hình phá cách, tác giả có thể làm cho một vài người trong chúng ta khó chịu khi con người Vương Mãnh đã được tôn vinh quá đáng. (Xem ra, nếu anh chỉ dựa vào vợ mới nên chuyện thì sao gọi anh là "Gia Cát Lượng tái thế" mà yên?) Có thể ta dễ có thành kiến về con người này, nhưng chính cá tính được gieo ở con người của Vương Mãnh mới đả phá khái niệm hủ lậu rằng phụ nữ không nên bàn quốc sự. Nói cách khác, có lẽ Văn Tiên đã gián tiếp mời gọi chúng ta tách khỏi "lối mòn" kịch bản phong kiến mà hãy nhìn từ khía cạnh "rộng lượng" hơn là bất luận nam hay nữ, chúng ta vẫn có thể hổ trợ cho nhau bằng những ý kiến (hoặc hành động) bổ ích- huốn hồ chi chính một nửa của ta!
Chỗ này, đoạn này ... cho đối đầu! Thật ra câu khen tặng "Gia Cát Lượng tái thế" - luận theo những gì về Gia Cát Lượng thì gần như không nghe ai bàn đến chuyện gia môn thê nhi của Gia Cát Lượng mà là tài ông đón gió nhìn trời (vụ nhìn sao của ông này làm phiền em lắm nha, nhiều lúc ngó lên trời vài con sao rồi lầm bầm ... có sao nào mới rụng không ta, rồi làm sao biết sao nào của ai mà biết tới số. Một ngày đầy sao thì lầm bầm tiếp - sao nhiều như vậy biết của ai đâu mà cầu! Khổ ghê...), lập trận pháp trăm trận trăm thắng, nhìn người không qua "tri diện" mà thấu đến tận "tâm" - thì việc anh chàng Vương Mãnh có nghe lời vợ đâu liên quan đến sự so sánh ở cái tài của Gia Cát Lượng đời Thục. Chừng nào có chứng cớ ông Lượng không hề nghe lời vợ, không hề cho vợ dự vào chuyện "quốc sự" mà đem ông Vương so sánh thì đúng là quá lời.


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 11:56 am 
Member

Joined: Sat Feb 05, 2011 9:56 pm
Posts: 364
VT, em nói đúng! Anh cũng không tán đồng việc so sánh hai người từ khía cạnh như thế.

Anh chỉ có thể đoán ý bên phía phê phán là đã dựa theo hai lần quyết định việc khá quan trọng Vương Mãnh đều phải có sự hổ trợ của Như Nguyệt mới nên, thế hoá ra chuyện như vậy mà cũng phải nhờ đến vợ mới thấy xa trông rộng đc- vậy Gia Cát tái thế ở điểm nào? Thêm nữa là trong việc xử Trương Lệ Hân, anh ta có vẻ như đã lầm lẩn Bố RạHồng Hạc Huyết thì phải...? :ym3:

Nếu đúng họ đã dựa theo như trên mà phê bình Vương Mãnh thì ý tưởng cá nhân như đã nêu trong bài luận- theo cảm nhận về nhân vật, là thế.


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 1:12 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Sẵn nhắc đến Gia Cát Lượng ... anh còn nợ em :ym105:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 7:24 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Quote:
Tiếp theo đó, khi cho biết anh hiện là Đông Cung Thái Tử, thì Phù Kiên chỉ nói lời miễn lễ cho bạn sau khi Vương Mãnh đã tôn vinh đương kiêm Hoàng Đế. Người ta có thể luận rằng, tất nhiên vì Vương Mãnh là người Phù Kiên đang đi tìm để chung lo đại sự thì lý nào người Kiên trông cậy lại là kẻ chưa chi đã bất kính đối với đương kiêm Hoàng Đế?!
Và cũng có thể luận rằng ... phàm làm người làu thông kinh sử, từng làm quan và ở đạo tôi thần, thấy chiếu vua, ấn vua, long xa ... là theo thói quen bái và lạy. Bất kính hay nể phục là chuyện hạ hồi phân giải của tư tưởng phong kiến này, theo lễ đúng nghĩa thì lạy trước, tung hô vạn tuế trước. Ở cảnh này thì Vương Mãnh trước trọn lễ, sau đuổi bạn! Cái này gọi là được lòng trước mích lòng sau... ngược đời há :ym1:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 7:57 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Quote:
Sở dĩ chúng ta cần loại bỏ khía cạnh rằng Kiên đã được lời khuyên lơn, cùng với sự hổ trợ từ nhiều người (nhất là từ Vương Mãnh) là vì cho dù có bao nhiêu lời khuyên đi chăng nữa, tự nghị lực cá nhân mới vẫn là trọng điểm.
Chính xác. Lời khuyên, lời cản, nói ra nói vô ... chỉ có tác dụng tạm thời của thời gian đó nhưng khi trả người về với riêng mình thì lúc đó chỉ có nghị lực của riêng mình ráng mà chịu đựng ráng mà chống chọi chứ không ai có thể bên cạnh 24/24 để an ủi và khuyên giải.


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 8:03 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Chuyện ngoài đề, hơi nặng tâm lý. Ai yếu tim thì đừng đọc tiếp.

Ti có một chị bạn mới qua đời tháng 7 năm nay. Mang tiếng chị chứ chị lớn hơn Ti gần 20 tuổi. Chị qua đời vì chị tự vẫn. Chị tự thắt cổ! Khi nghe báo tin, thật tình Ti mất hết suy nghĩ, người như bị đóng băng và lần đầu tiên mới biết được cảm giác đứng không vững. Vì chị mới gọi cho Ti vào tháng 5. Khoảng gần 4 năm sau này thì chị hơi bị trầm cảm ... chồng qua đời, mẹ qua đời, sự hiếu thảo và thành công của hai đứa con của chị không làm cho chị bớt đi sự cô đơn của riêng bản thân. Chị thường tâm sự với Ti thì Ti nói chị đi làm từ thiện, chị đi nhà thờ, chị đi chơi, ... chị cũng nghe theo. Lần cuối hai chị em nói chuyện là vào cuối tháng 5, nói một hồi chị bật khóc nói rằng chị buồn quá, đôi lúc nghĩ tới tự tử! Ti an ủi chị là rồi mọi chuyện sẽ qua mà. Chị nói là nói chuyện với em, chị thoải mái hơn rồi, tội nghiệp Tiên quá, có bà chị điên khùng như vậy làm phiền tối ngày nhưng vì chị mê tiếng cười của Ti nên chị muốn nghe nên cứ phải làm phiền. Thì dĩ nhiên, Ti nói chị gọi cho em đi, em kể chuyện cười cho chị nghe. "Nhớ nhe. Chị buồn là cô Tiên phải cười cho chị nghe đó nha.", "Chuyện nhỏ." Vậy đó mà đứa con trai gọi nói "Mẹ mới qua đời... tự tử... thắt cổ!"


Top
 Profile  
 
PostPosted: Fri Dec 11, 2015 8:12 pm 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Quote:
Lối ứng xử của Phù Kiên đối với cữu hoàng đã chứng tỏ hai điều- thứ nhất, anh không nhìn về cậu như cậu đã nhìn về anh: một mối đe doạ. Đơn giản là vì trong mắt Kiên thì đó mãi mãi là người cậu mà anh kính nể vì hình ảnh của mẹ, lời trăn trối của bà luôn còn phản phất mỗi khi thấy cậu..."Thân ở Tần bang, cũng đừng quên đất mẹ nơi Khương quốc..."
Phù Kiên là nhân vật sống nặng phần nội tâm và như anh đã dựa vào câu nói của Trương Lệ Hận để tóm tắt con người của Phù Kiên, "làm gì quyết không phụ người." Khi lẻn vào Khương để mong đưa Mẹ về Tần thì gặp phải Khương Đế. Hai người đoạn này không ai nhường ai. Khương để chuẩn bị đưa tay ra lịnh "sát" thì Phù Kiên cũng nắm chặt thanh kiếm chuẩn bị rút gươm. Diêu Tường cản với câu nói, "trước mặt con là cựu hoàng." Rồi một loạt dặn dò nhắc nhở dù gì cũng vì Mẹ, vì Khương để mẹ được tự hào, được rỡ ràng danh phận. Và từ đó khi Khương đế nói rằng nếu Phù Kiên không bất kính với đại Khương thì sẽ không gây hận, còn nếu như... thì công chúa đỡ lời, "sẽ không có." Cho nên ở Phù Kiên, không hề mang sự "bất kính" với đại Khương... chỉ có lấy luôn đất nước người ta thôi :ym21:


Top
 Profile  
 
PostPosted: Sat Dec 12, 2015 1:57 am 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Quote:
Kiên đã khán chỉ vua cha! Đơn giản chỉ có thế. Phù Kiên không hề có sự bắt buộc phải giải thích với ai những việc mình làm, cứ xem như mọi lỗi lầm đều do anh, và nếu có oan tình thì chỉ riêng một Phù Kiên hiểu thấu.
Căn bản cho câu trả lời dứt khoát 1 chữ "có/không" của câu hỏi "Có khán chỉ không?", "Có.", "Có rạch đất xưng vương?", "Có." Thì kể như Phù Kiên xong đời! Đập án cái bụp! "Có tội!" Lý lẽ của sự đúng sai của đôi bên thiên về cá nhân, chủ quan của người trong cuộc, muôn đời chẳng ai chịu thua ai. Đối với phe "bị cáo" Phù Kiên thì ... tụi tui làm đúng và chỉ có đúng! Phe "công tố viên" triều đình nhà Tần thì ... phản nghịch và chỉ có phản nghịch! Khán giả như là bồi thẩm đoàn... nghe, luận và kết.


Top
 Profile  
 
PostPosted: Sat Dec 12, 2015 2:07 am 
Site Admin

Joined: Fri May 28, 2004 6:08 pm
Posts: 24046
Quote:
Tiên đã rất thực tiễn khi tạo hình nhân vật Phù Kiên như thế bởi hai nguyên lý: thứ nhất, tác giả không thần thánh hoá nhân vật, làm mất đi nguồn cảm xúc của khán giả khi chứng kiến nhân vật đi từ sự khổ ải vạn trùng ba này đến nỗi đau thương mất mát khác. Giá như tác giả cứ đặt để cho Kiên lúc nào cũng tỏ ra vô cảm, lại mưu lược như thần thì cảm xúc người xem còn đâu nữa? Vả chăng, ở đoạn cuối ta sẽ nghĩ việc Phù Kiên có được cơ đồ là chuyện tất nhiên! Anh ta mình đồng da sắt kia mà.
Có lần người bên cải lương hỏi sao không viết về Khổng Minh. Những gì về Khổng Minh thì em chỉ đọc từ bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì em thấy ông này từ đầu đến cuối như thần như thánh á. Cái gì ổng đoán cũng đúng. Cái gì ổng nói cũng đúng. Lúc nào cũng bình tĩnh gì nè ... à ... đường đường đạo mạo ... một chữ ... "chán" :ym71: Có lần em coi thoáng qua 1 cuốn phim, chỉ kịp nghe vài câu thôi mà vô đầu đó nha. Cô nàng tài tử Kim Basinger nói với ông chồng đẹp trai, thành công giàu có như vầy. "You're perfect! And you know what? It's boring." Cho nên, đừng bao giờ làm người đàn ông hoàn hảo ... chán lắm :ym21: :ym21: :ym21:


Top
 Profile  
 
Display posts from previous:  Sort by  
Post new topic Reply to topic  [ 44 posts ]  Go to page 1, 2, 3  Next

All times are UTC - 8 hours



You cannot post new topics in this forum
You cannot reply to topics in this forum
You cannot edit your posts in this forum
You cannot delete your posts in this forum
You cannot post attachments in this forum

Search for:
Jump to:  
Powered by phpBB® Forum Software © phpBB Group